Bài 26: Sáu bước để rèn luyện thói quen phòng tránh TNGT ?

Một câu hỏi được đặt ra trong đầu tôi trong quá trình tôi quan sát hành vi tham gia giao thông của các bậc cha mẹ người Việt Nam. Đó là làm sao có thể giúp được các con khi bố mẹ của chúng là những người phá luật. Như một tình huống điển hình trong tội phạm học, làm sao để con cái có thể trưởng thành đầy đủ khi lớn lên trong một môi trường không tốt (Cha mẹ bỏ nhau, cha mẹ nghiện nghập, cha mẹ đánh đập con cái). Đối với việc tham gia giao thông cũng tương tự như vậy, làm sao có thể giáo dục con cái không được uống rượu bia khi lái xe trong khi hàng ngày bố của chúng vẫn uống bia rượu và lái xe về, làm sao để con đội mũ bảo hiểm khi hàng ngày khi chở con đến trường bố mẹ không hề đội.

Đây là vấn đề khó nhất, bởi nếu như xuyên suốt từ bài đầu cho đến bây giờ, tôi mới hướng đến việc gia tăng nhận thức cho các bậc phụ huynh đối với việc giáo dục trẻ biết trân trọng mạng sống, rèn luyện kỹ năng sinh tồn ngay từ khi còn nhỏ. Thì đối với vấn đề này, chúng ta sẽ phải thay đổi hành vi của những nam nữ thanh niên từ 16 tuổi trở lên, lứa tuổi được gọi là tuổi vị thành niên, một độ tuổi mà sự tiếp xúc giữa con cái và bố mẹ cực kỳ khó khăn, sự giao tiếp bị cản trở, con có những biểu hiện thay đổi không chỉ về sinh lý mà còn cả về tâm lý. Và, điều khó khăn nhất đó chính là việc chúng đã bị “nhiễm” quá nhiều những thói quen xấu từ bố mẹ, và những tấm gương giao thông xấu ở ngoài xã hội một cách đều đặn và lặp lại liên tục.

Giúp trẻ hình thành thói quen tham gia giao thông an toàn thông qua rèn luyện kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông

Các bậc cha mẹ sẽ phải làm gì? Liệu có là quá muộn không khi bắt đầu dạy con tham gia giao thông an toàn từ năm 16 tuổi.

Nếu các bậc cha mẹ bất lực? Chúng ta liệu có thể làm gì để thay họ giáo dục các con cách tham gia giao thông an toàn hay không?

Tin xấu là rất khó, vô cùng khó, và cực kỳ khó. Nhưng tin tốt là chúng ta vẫn có thể làm được nếu biết cách phá vỡ, thay đổi và áp dụng sự cam kết, kỷ luật và tự lựa chọn đối từng thói quen xấu. Nếu có sự giúp đỡ của bố mẹ thì điều đó rất tuyệt, nhưng nếu không, trách nhiệm của những người nghiên cứu như tôi đây là phải làm thế nào để giúp các con dù không có bố mẹ của chúng.

Và đây là câu trả lời của tôi, trước hết chúng ta cần phải hoạch định rõ phương pháp, sau đó từng bước thực nghiệm chúng. Phương pháp chính là sáu bước để rèn luyện thói quen phòng tránh tai nạn giao thông

Bước 1: Thiết lập mục tiêu, nói thì to tát nhưng đơn giản là làm bất kể việc gì chúng ta đều phải có mục đích, mục đích giúp chúng ta có động lực hoàn thành, làm một việc không có mục đích khác gì việc bạn như một người mù, nay đi hướng này, mai đi hướng khác, rò đường thông qua trải nghiệm.

Một mục tiêu phải đảm bảo các yếu tố đó là hết sức cụ thể và trong khả năng của con, có thể đo lường và có thời gian hoàn thành rõ ràng. Nói nghe chung chung quá, ví dụ về việc đội mũ bảo hiểm cho con, mục tiêu là rèn cho con thói quen đội mũ bảo hiểm, nhưng nếu bạn rèn khi con 1 tuổi thì rõ ràng mục tiêu đó là vô lý, mà phải bắt đầu từ 3 tuổi (Trong khả năng của con), đội mũ bảo hiểm hàng ngày và đúng cách (Mục tiêu rất cụ thể), con sẽ đội vào những thời gian cùng bố mẹ tham gia giao thông đến trường (Đo lường hàng ngày) và sẽ hoàn thành nó trong vòng 21 ngày (Thời gian để hình thành một thói quen đơn giản).

Bước 2: Có kế hoạch xây dựng thói quen mới, lập kế hoach là việc bạn trả lời cho các câu hỏi sau đây?

  • Who: Ai thực hiện ? Con; Ai hỗ trợ: Bố, mẹ
  • When: Khi nào thực hiện: Hàng ngày vào giờ đi học
  • Where: Ở đâu – Trên đường đi học
  •  What: Cái gì? Việc đội mũ bảo hiểm
  • How: Như thế nào? Đội mũ đúng phương pháp 2V1 và đội mũ mỗi khi lên xe
  • Why: Tại sao? Vì bảo vệ phần đầu của con, vì 90% tử vong do tai nạn giao thông đến từ việc chấn thương sọ não.

Bước 3: Làm, cam kết và kỷ luật. Tôi cũng từng dính vào sai lầm của bước 3 này, đó là trì hoãn và không cam kết. Rõ ràng, nếu như việc thiết lập mục tiêu và lập kế hoạch giúp bạn đi đúng đường, và tăng hiệu quả của việc đi đúng đường, thì bước 3 này quyết định 70% việc bạn có hình thành được thói quen này cho con hay không. Người Việt Nam, nói mà không làm là câu nói chúng ta đã được nghe đi nghe lại quá nhiều lần, vậy hãy sửa nó đi.

Bước 4: Động viên con của mình nỗ lực đến mục tiêu. Trên chặng đua cùng con đến đích, bạn sẽ gặp vô vàn những khó khăn, và cách bạn, bố mẹ của con xử lý vấn đề sẽ quyết định việc con hoàn thành mục tiêu sớm hay muộn. Tôi đã từng thấy con tôi nói không muốn làm, chúng mè nheo, khóc lóc và tìm mọi cách thoái thác? Tôi đã từng thấy con của mình chỉ làm khi có được những điều chúng thích (tôi phải hối lộ con mình) hoặc chỉ làm khi có mệnh lệnh và sự đe dọa từ tôi? Mỗi người có một cách lựa chọn trong việc dạy con, nhưng quá trình nghiên cứu cho thấy, nền tảng của việc hứng thú, động lực học tập chính là xuất phát từ lòng tự trọng. Khi bạn phải làm việc bạn không có quyền lựa chọn, bạn sẽ làm với một thái độ như thế nào? Con cũng vậy

Có một số cách lưu ý trong bước 4 đó là bạn hãy động viên bằng cách dùng mẹo, những slogan nhỏ làm con dễ nhớ, những minh họa sinh động, và đặc biệt lưu ý là cùng con trong quá trình rèn luyện (Cùng con không có nghĩa là làm thay con, mà là cùng làm 1 việc với 2 cá thể khác nhau)

Bước 5: Đánh giá kết quả của con. Như đã nói ở trên, cũng may là những thói quen tốt khi tham gia giao thông thực ra hoàn toàn không quá khó, có thể xếp chúng vào loại những thói quen cơ bản dễ hình thành,  nên thời gian trung bình cho một thói quen như vậy là từ 14-21 ngày. Trong 21 ngày này, bạn hãy lập bảng biểu, nếu bận quá chỉ cần xác định hạn hoàn thành, và cam kết sẽ cùng con mỗi ngày, không thỏa hiệp với quy tắc đã đề ra. Như vậy, mọi chuyện bắt đầu ổn và đến bước cuối.

Bước 6: Thưởng. Không có gì vui hơn là được người khác đánh giá cao qua một lời khen, dù đó có là nói dối. Tuy nhiên, lưu ý của lời khen là hãy khen sự nỗ lực, cố gắng của con nhiều hơn thành quả. Con sẽ vui sướng biết bao khi hoàn thành công việc và được bố mẹ trân trọng nó. Đó là động lực cho việc hình thành những thói quen tốt sau này.

Phương pháp đã được đề ra, nhưng không phải bậc làm cha, làm mẹ nào cũng chịu thực hiện. Vậy chúng ta sẽ giải đáp tiếp phần còn lại của câu hỏi:” Nếu bố mẹ con thiếu trách nhiệm, thì nhà trường và xã hội sẽ phải làm gì để tốt nhất cho con?”

————————

Tri ân 50 khách hàng đầu tiên, chỉ cần nhập mã VietTMH.01_399 tại https://goo.gl/muWnfj để nhận phần quà lên đến 45% chi phí cho khóa học kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông còn 399.000 đồng.

Miễn phí giảng dạy kỹ năng phòng tránh TNGT, xâm hại tình dục, phòng chống ma túy và bạo lực học đường tại các trường học cấp 1, 2,3 trên địa bàn TP Hà Nội/ Liên hệ Mr Việt 0898446866

Subcribe Youtube trực tiếp của giảng viên Trần Việt: Chumskills

Fanpage tư vấn ATGT và giáo dục con cái 24/24h: Chumskills – Giúp bạn an toàn và tài năng hơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *