Xin chào các anh chị, mình là Trần Việt – Là ông bố của các bạn nhỏ và cũng đang trên hành trình trưởng thành của chức năng làm cha mẹ. Trên hành trình đó, mình cũng như anh chị, học tập và trải nghiệm rồi chia sẻ cùng nhau. Hôm nay, nhân dịp có một người mẹ đặt cho mình câu hỏi. Mình xin phép được phân tích và chia sẻ góc nhìn của mình để các anh chị tham khảo nhé.
- Tuổi vị thành niên và những thay đổi chóng mặt, nguyên nhân và giải pháp
Trước hết, anh chị cần biết một thông tin để có thể có sự yên tâm đó là:”Dù tuổi vị thành niên có những thay đổi như thế nào thì 70% đều trả lời rằng chúng vẫn cần có cha mẹ hỗ trợ, giúp đỡ, lắng nghe và chia sẻ”
Thứ hai, là anh chị cần nắm được một số biểu hiện của trẻ vị thành niên
- Tâm lý thay đổi thất thường do những thay đổi về sinh lý (Anh chị có thể search Google để tham khảo) . Nhưng những tâm lý này đặc trưng trong một giai đoạn ngắn hạn, không phải dài hạn. Đôi khi chúng ta hay gọi là sáng nắng chiều mưa
- Thay đổi thần tượng: Từ cha mẹ chuyển dịch sang bạn bè, vì thế giai đoạn này bạn bè của trẻ là người tác động lớn nhất để hành động và suy nghĩ của trẻ. Chính vì vậy, phải lựa chọn cách tiếp cận phù hợp không chỉ với con trẻ mà với bạn của con.
- Nổi loạn, muốn làm theo ý mình. Đề cao cái tôi của bản thân
- Các hành vi xấu gồm: Bỏ học, trộm cắp, quan hệ tình dục sớm, đua xe, đánh nhau, cờ bạc, rượu chè, chơi game không kiểm soát, bỏ nhà sang nhà bạn. Đối với học sinh nữ đôi khi còn là mang thai sớm do yêu sớm.
Vậy, anh chị sẽ chuẩn bị như thế nào để có thể hoàn thành tốt vai trò của cha mẹ ở giai đoạn này.
- Việc phải làm ngay trong ngắn hạn, để đối phó với những biểu hiện xấu. Xây dựng bộ quy tắc gia đình mà ở đó con phải thực hiện, nếu làm tốt được thưởng, nếu làm sai chịu phạt thông minh
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy. Hầu hết các bậc phụ huynh khi con mình làm sai là ngay lập tức nhảy vào để chặn đứng các hành vi đó mà không tìm hiểu nguyên nhân, không lắng nghe và không có sự đàm phán, thỏa thuận và thống nhất với con. Các hành vi mang tính thời điểm ngắn hạn đó thường đem đến sự ức chế từ phía con trẻ khi bố mẹ đã tận dụng quyền lực của mình để cấm đoán trẻ, và chúng sẽ đối phó bằng cách “đi đêm”, thực hiện các việc lén lút sau lưng hoặc tệ hơn là đe dọa lại bố mẹ.
Vậy, mấu chốt ở đây là phải xây dựng được gia quy trong gia đình mà ở đó mọi người đều phải chấp hành. Gia quy được hiểu là những nguyên tắc mà những người sống trong gia đình đều được biết, đóng góp ý kiến và thống nhất thực hiện triệt để.
Ví dụ:
- Không đi chơi quá 9h
- Phải hoàn thành bài tập xong
- Không đèo bạn phía sau
- Không đi xe khi chưa đủ tuổi
- Bữa ăn là phải ngồi ăn cùng gia đình
- Phải tham gia vào một số hoạt động của gia đình
- Không bia rượu
- Không cờ bạc
- Chơi game có thời gian nhất định
Nghe thì thấy thật đơn giản vì bình thường các anh chị vẫn hay áp dụng, tuy nhiên cách áp dụng của anh chị là ngăn chặn ở thời điểm nhất định, hoàn toàn không mang ý nghĩa là quy tắc. Khi xây dựng quy tắc anh chị cần thực hiện
- Bước 1: Họp gia đình, nêu ra vấn đề và để mỗi người được đóng góp ý kiến
- Bước 2: Lắng nghe ý kiến của con mình thực sự chứ ko mang tính hình thức (Hình thức là con vừa nói đã gạt phăng, con vừa nêu mặt thì lắng nghe nhưng sau đó nhanh chóng bỏ qua)
- Bước 3: Đưa ra các phần thưởng, và hình phạt đối với các quy tắc vi phạm. Phần thưởng và hình phạt hãy thật thông minh, phạt không có nghĩa là đuổi ra khỏi nhà, phá cửa, khóa cửa, cấm con đi với bạn bè, mà phạt là tước các quyền của con trong gia đình như sử dụng điện thoại, đi xe đạp đến trường, không ra khỏi nhà 1 tuần ngoại trừ giờ đi học… nôm na hình phạt là tước đi những thứ con yêu thích. Ngược lại, nếu chúng làm tốt, hãy thưởng chúng bằng các phần thưởng vừa mang tính khích lệ, động viên, vừa giúp con phát triển các kỹ năng như học ngoại khóa, picnic cùng bạn bè, xem phim cùng bạn, mời bạn đến nhà ăn cơm, sinh nhật bố mẹ sẽ làm những món con thích….
- Bước 4: Con nêu ý kiến và thỏa hiệp. Hãy để con nếu ra ý kiến của mình, sau đó anh chị hãy đàm phán làm sao để con chấp nhận các quy tắc đó chứ không đối đầu với chúng. Anh chị có thể nhường con điểm A, nhưng sẽ thắng ở điểm B, tin rằng là cha mẹ, khi anh chị là người chủ động xây dựng quy tắc, anh chị cũng đã có sự chuẩn bị trước hơn con rồi đúng không nào
- Bước 5: Áp dụng có kỷ luật. Điều cuối cùng mình muốn nói, đó là anh chị đưa ra anh chị phải làm gương, phải theo dõi và hỗ trợ con thực hiện. Hãy làm đúng những gì mình đã nói là cách xây dựng thương hiệu của anh chị trong con. Đối với con của Việt, mình tự đánh giá mình là người cực kỳ nghiêm khắc trong 1 số hoạt động như đánh nhau, ích kỷ, dựa vào người khác, ảnh hưởng nghiêm trọng thể chất, tinh thần, còn các hoạt động khác mình để con tự do khám phá. Làm cha mẹ là phải vẽ được hình ảnh của cha mẹ vào đầu con là người thế nào?
- Bước 6: Ăn mừng và tổng kết. Định kỳ thực hiện hãy đánh giá lại và ghi nhận những sự nỗ lực hoặc chưa được của con, Tiếp tục động viên con. Khác với ở cơ quan, hình phạt đưa ra là áp dụng và làm người khác sợ, quy tắc trong gia đình là để mỗi thành viên đều có trách nhiệm, đều được phát triển tốt hơn từ việc sửa chữa những lỗi lầm
Ngoài ra, có một số yếu tố sẽ làm anh chị hoang mang, phân vân không biết đúng hay sai?
- Con tiếp tục bướng bỉnh, cứ áp dụng quy tắc sau khi đã làm trọn vẹn các bước trên. Hãy cho con cơ hội giải thích vì sao ? Lắng nghe và định hướng lại
- Kiên nhẫn… Như một số clip Việt đã nói, dạy con vị thành niên là phải kiên nhẫn, bởi đây là giai đoạn khó khăn nhất
- Không thúc ép quá, ai cũng cần có những giai đoạn thay đổi, hoặc những giai đoạn để nhận ra sai lầm của mình. Miễn là sai lầm đó chưa nguy hiểm tính mạng, anh chị hãy để con tự cảm nhận, tự quyết định.\, hãy bình tĩnh. Việc của anh chị là áp dụng các quy tắc. Nhiều khi mình muốn nói, các quy tắc là để giúp anh chị giữ vững quyền lực làm cha mẹ và con cái phải hiểu rằng, họ được sống dưới sự hỗ trợ, chăm sóc của cha mẹ.
- Ví dụ trong trường hợp của chị ở trên nêu ra, chơi game không xấu, chơi game quá đà mới xấu đúng ko nào? Vậy đừng vội hãy cứ từ từ
2. Những việc cần làm trong dài hạn để dạy con vị thành niên. Cha mẹ hãy làm tấm gương cho con
Thực sự đây là điều Việt muốn nói với anh chị, có rất nhiều người cứ muốn trị con, nhưng bản thân mình đáng ra cũng cần phải đánh đòn. Anh chị hãy trả lời Việt một số câu sau:
- Khi anh chị sai, anh chị có xin lỗi con không?
- Anh chị có bao giờ cáu gắt chuyện cơ quan và trút giận lên con không?
- Anh chị có mạt sát con là ngu, đần, thằng mất dạy… không? Mạt sát nhân cách của con
- Anh chị có bao giờ gạt phăng ý kiến của con và luôn cho mình là đúng không?
- Anh chị có tước quyền đóng góp ý kiến của con hay không?
- Anh chị để cho cháu làm bao nhiêu việc trong nhà?
- Anh chị cho cháu tự quyết định những điều gì ?
- Nếu phải dùng 1 từ để con nói về anh chị, theo anh chị sẽ là gì? Yêu thương con, chăm chỉ, giỏi giang, cáu gắt, bẩn tính, lạm dụng quyền lực
Nếu có câu nào là có? Hãy điều chỉnh mình nhé. Dạy con với Việt cũng đơn giản lắm, dạy con là dạy mình. Mình có tốt con mới tốt được, không có chuyện cha mẹ tồi mà con giỏi giang. Cha mẹ nghèo con giỏi vì họ có nhân cách tốt, cha mẹ giàu con dối vì họ nhân cách chưa tốt, chiều chuộng con quá đà, tiền không quyết định nên con người của con, mà chính là cách anh chị gieo vào đầu con hình ảnh của anh chị mới làm nên con người con.
“Một vạn điều hay không bằng một tấm gương sáng” – Nhớ nha anh chị
Vậy đấy, con đường dài hạn Việt luôn nghĩ sẽ xuất phát từ chính chúng ta ngày hôm nay. Không phải tự dưng mà con xấu, hãy xem lại chính bản thân mình.
Xin cảm ơn anh chị