Xin chào các bạn! Ngày hôm nay Trần Việt MB sẽ cùng các bạn chúng ta thực hiện việc phân tích các tình huống điển hình trong việc tính thuế thu nhập cá nhân của người lao động cũng như của người đang thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trước hết, để nắm được nền tảng của việc tính thuế thu nhập cá nhân, các bạn có thể đọc thêm phần 1 bài viết :“Thuế thu nhập cá nhân tại Việt Nam” tại đây
Tình huống 1: Kê khai thu nhập ở thời điểm quyết toán thuế
Trường hợp trong tháng phát sinh thu nhập (Ví dụ thu nhập là 50 triệu đồng) nhưng trong tháng đơn vị kê khai thu nhập chịu thuế là 30 triệu, còn lại 20 triệu đồng đến khi quyết toán thuế mới kê khai). Vậy đơn vị có bị phạt không?
* Trả lời:
– Tại Điểm b, Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
“Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế.
Thời điểm xác định thu nhập chịu thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.”
– Tại điểm c.1 và điểm c.2, Điểm c Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 hướng dẫn:
Tình huống 1: Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế không làm thay đổi tiền thuế phải nộp, tiền thuế được khấu trừ, tiền thuế đề nghị hoàn thì chỉ lập Tờ khai thuế của kỳ tính thuế có sai sót đã được bổ sung, điều chỉnh và gửi tài liệu giải thích kèm theo, không phải lập Bản giải trình khai bổ sung, điều chỉnh Mẫu số 01/KHBS.
Tình huống 2: Trường hợp người nộp thuế khai bổ sung hồ sơ khai thuế làm tăng tiền thuế phải nộp thì lập hồ sơ khai bổ sung và tự xác định tiền chậm nộp căn cứ vào số tiền thuế phải nộp tăng thêm, số ngày chậm nộp và mức tính chậm nộp theo quy định. Trường hợp người nộp thuế không tự xác định hoặc xác định không đúng số tiền chậm nộp thì cơ quan thuế xác định số tiền chậm nộp và thông báo cho người nộp thuế biết.”
Tình huống 2: Một năm làm 2 công ty, giảm trừ gia cảnh mấy lần!
Cá nhân 6 tháng đầu năm làm việc ở 1 Công ty và đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc, 6 tháng cuối năm cá nhân đó chuyển sang làm việc tại Công ty khác thì có phải đăng ký giảm trừ gia cảnh lại cho người phụ thuộc không?
* Trả lời:
– Tại Điểm I, Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
“ Người nộp thuế chỉ phải đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh cho mỗi một người phụ thuộc một lần trong suốt thời gian được tính giảm trừ gia cảnh. Trường hợp người nộp thuế thay đổi nơi làm việc, nơi kinh doanh thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu theo hướng dẫn tại Tiết h.2.1.1.1, Điểm h, Khoản 1 Điều này.”
=> Căn cứ quy định trên, trường hợp cá nhân đã đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc khi thay đổi nơi làm việc thì thực hiện đăng ký và nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc cho đơn vị mới như trường hợp đăng ký người phụ thuộc lần đầu. Cá nhân đó vẫn được tính giảm trừ gia cảnh cho cả năm.
Tình huống 3: Thay đổi người phụ thuộc chứng minh với cơ quan thuế như thế nào?
Cá nhân thực hiện đăng ký người phụ thuộc Mẫu số 16/ĐK-TNCN và hồ sơ chứng minh cho cơ quan chi trả thu nhập. Khi có sự thay đổi về người phụ thuộc cá nhân có phải nộp hồ sơ chứng minh lại cho cơ quan thuế không?
Trả lời:
Tại Điểm h.2.1.1.2 Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
Đăng ký khi có thay đổi về người phụ thuộc:
Khi có thay đổi (Tăng, giảm) về người phụ thuộc, người nộp thuế thực hiện khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu ban hành kèm theo văn bản hướng dẫn về quản lý thuế và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc cơ quan thuế đối với người nộp thuế thuộc diện khai thuế trực tiếp với cơ quan thuế.”
=> Căn cứ quy định trên, khi người nộp thuế có thay đổi về người phụ thuộc thì phải khai bổ sung thông tin thay đổi của người phụ thuộc theo mẫu và nộp cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập hoặc nộp cho cơ quan thuế đối với trường hợp người nộp thuế khai trực tiếp với cơ quan thuế.
Tình huống 4: Tính thuế thu nhập cá nhân khi người lao động nghỉ việc
Tại thời điểm Quyết toán thuế TNCN, cá nhân không làm việc tại đơn vị . Anh chị cho hỏi những cá nhân đó có phải đưa vào các mẫu biểu Quyết toán thuế của đơn vị không?
* Trả lời:
Tại Điểm a.3, Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định:
“Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân có trách nhiệm khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân và quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế.”
=> Căn cứ quy định trên, trường hợp cá nhân không còn làm việc tại đơn vị vào thời điểm quyết toán thì đơn vị vẫn phải kê khai thu nhập trả cho cá nhân đó trên mẫu biểu quyết toán.
Tình huống 5: Khi về hưu thì Doanh nghiệp hay cá nhân Quyết toán thuế
Đơn vị tính thuế và nộp thuế TNCN theo quý. Trường hợp một cán bộ làm đến hết tháng 10/2013 thì nghỉ hưu và lập giấy ủy quyền quyết toán thuế TNCN năm 2013 cam kết không có khoản thu nhập nào khác ngoài lương hưu. Vậy đến khi Quyết toán thuế TNCN năm 2013 thì cá nhân tự Quyết toán thuế với cơ quan thuế hay cơ quan trả thu nhập Quyết toán thay cho cá nhân đó?
* Trả lời:
Tại Tiết a.4, Điểm a, Khoản 2 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC qui định:
“a.4. Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
– Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 03 (ba) tháng trở lên tại một tổ chức, cá nhân trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền Quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 (Mười hai) tháng trong năm”….
=> Căn cứ quy định trên, trường hợp cán bộ làm đến hết tháng 10/2013 thì nghỉ hưu và lập giấy đề nghị ủy quyền Quyết toán thuế TNCN năm 2013 thì Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm quyết toán thay phần thu nhập đã trả cho cá nhân đó trong năm 2013.
Tình huống 5: Cổ tức có tính vào thuế thu nhập cá nhân?
Công ty chi trả cổ tức năm 2013 chi vào năm 2014 có phải trích thuế TNCN không? Nếu phải trích thì trích vào năm 2013 hay 2014? Nếu cổ đông nhận cổ tức là nhân viên trong Công ty thì phần thu từ cổ tức có cộng vào thu nhập của nhân viên đó để quyết toán thuế TNCN không?
* Trả lời:
– Tại khoản 3 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“3. …Thu nhập từ đầu tư vốn là khoản thu nhập cá nhân nhận được dưới các hình thức:
… b. Cổ tức nhận được từ việc góp vốn mua cổ phần.” …
– Tại khoản 3 Điều 10 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“… 3. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế
Thời điểm xác định thu nhập tính thuế đối với thu nhập từ đầu tư vốn là thời điểm tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người nộp thuế.”
=> Căn cứ các quy định trên, phần cổ tức chi trả vào năm 2014 phải tính Thuế TNCN. Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm nhận thu nhập (Năm 2014). Cổ đông nhận cổ tức là nhân viên trong Công ty thì phần cổ tức này không được cộng vào thu nhập từ tiền lương, tiền công của nhân viên này khi Quyết toán thuế TNCN mà phải kê khai quyết toán riêng.
Tình huống 6: Biến động thu nhập tính thuế thu nhập cá nhân
Người lao động từ tháng 1 đến tháng 6 có thu nhập tính thuế thuộc đối tượng phải nộp thuế nhưng từ tháng 7 đến tháng 12 lại có thu nhập tính thuế không đến mức phải nộp thì cơ quan chi trả Quyết toán thuế như thế nào?
* Trả lời:
Tại Điểm c Khoản 1 Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC quy định:
“… c. Tổ chức, cá nhân trả thu nhập thuộc diện chịu Thuế thu nhập cá nhân không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không phát sinh khấu trừ thuế có trách nhiệm khai Quyết toán thuế thu nhập cá nhân và Quyết toán thuế thu nhập cá nhân thay cho các cá nhân có ủy quyền.”
=> Căn cứ quy định trên, cơ quan chi trả có trách nhiệm khai Quyết toán thuế TNCN đối với phần thu nhập trả cho cá nhân nêu trên.
Tình huống 7: Tính Thuế thu nhập cá nhân đối với người nước ngoài
Doanh nghiệp thuê người lao động nước ngoài từ năm 2011, đến tháng 3 năm 2013 thì về nước (Đã nộp Thuế TNCN theo từng tháng). Vậy Quyết toán thuế cho người lao động vào Bảng kê 05A/BK-TNCN hay 05B/BK-TNCN và có Quyết toán không?
* Trả lời:
Tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 2 Nghị định 65/2013/NĐ-CP quy định:
“… 2. Cá nhân cư trú là người đáp ứng một trong các điều kiện sau:
a. Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch hoặc trong 12 tháng liên tục kể từ ngày đầu tiên có mặt tại Việt Nam;
Cá nhân có mặt tại Việt Nam theo quy định tại điểm này là sự hiện diện của cá nhân đó trên lãnh thổ Việt Nam.
b. Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo một trong hai trường hợp sau:
– Có nơi ở đăng ký thường trú theo quy định của pháp luật về cư trú;
– Có nhà thuê để ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở, với thời hạn của các hợp đồng thuê từ 183 ngày trở lên trong năm tính thuế.
Trường hợp cá nhân có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam theo quy định tại Điểm này nhưng thực tế có mặt tại Việt Nam dưới 183 ngày trong năm tính thuế mà cá nhân không chứng minh được là đối tượng cư trú của nước nào thì cá nhân đó là đối tượng cư trú tại Việt Nam.
3. Cá nhân không cư trú là người không đáp ứng điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này.”
=> Căn cứ quy định trên: Trường hợp cá nhân nước ngoài làm việc tại Việt Nam từ năm 2011 đến tháng 3 năm 2013 được xác định là cá nhân cư trú thì khi Quyết toán thuế TNCN kê khai vào Bảng kê 05A/BK-TNCN.
Tình huống 8: Tính thuế thu nhập cá nhân với lao động dưới 3 tháng
Bà A là giáo viên của trường THCS M từ tháng 1 đến tháng 5/2013. Từ tháng 01/6/2013 bà A chuyển công tác đến trường THCS N, thu nhập chịu thuế của bà A là 6.000.000đ/tháng. Tại trường THCS M đã khấu trừ Thuế TNCN là 500.000 đồng (Bà A không có người phụ thuộc)
Câu hỏi:
– Bà A có được ủy quyền cho trường THCS N Quyết toán không?
– Nếu được Quyết toán thay thì trường THCS N căn cứ vào đâu để xác định thu nhập chịu thuế của bà A từ tháng 1 đến tháng 5? Và thu nhập này có được cộng vào Thu nhập cá nhân tại Biểu 05A-KK không?
* Trả lời:
Tại Điểm d.1, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập Quyết toán thay trong trường hợp:
“Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm ủy quyền Quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm.”
=> Căn cứ quy định trên thì bà A có thu nhập thường xuyên (Trên 3 tháng) tại 2 đơn vị trả thu nhập không được ủy quyền Quyết toán thuế TNCN.
Trường THCS M và trường THCS N chỉ kê khai phần thu nhập tại Trường trả cho bà A.
Tình huống 09: Tính thuế thu nhập cá nhân khi có nhiều nguồn thu nhập
Bà B làm kế toán cho 3 DN, mỗi DN có thu nhập là 3.500.000 đồng/tháng. Bà B không có người phụ thuộc. DN này bà B đều ký hợp đồng lao động là 12 tháng.
Trường hợp này thì bà B Quyết toán như thế nào? (Tự quyết toán hay ủy quyền Quyết toán?).
* Trả lời:
– Tại Điểm c, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn:
“Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo…”
– Tại Điểm d.1, Khoản 2, Điều 26 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ủy quyền cho tổ chức, cá nhân trả thu nhập Quyết toán thuế thay trong các trường hợp sau:
“Cá nhân chỉ có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ ba (03) tháng trở lên tại một đơn vị và thực tế đang làm việc ở đơn vị tại thời điểm ủy quyền Quyết toán, kể cả trường hợp không làm việc đủ 12 tháng trong năm”.
=> Căn cứ các quy định trên thì bà B không được ủy quyền Quyết toán mà phải tự Quyết toán thuế nếu thuộc trường hợp phải quyết toán thuế theo quy định.
Tình huống 10: Quá thời hạn kê khai giảm trừ gia cảnh
Ngày 02/4/2014 cơ quan thuế mới nhận được Quyết toán thuế TNCN năm 2013 của người nộp thuế, trong đó có kèm theo hồ sơ giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc của người nộp thuế (Là bố đẻ ngoài độ tuổi lao động và không có thu nhập). Trong năm 2013 trường hợp này chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh. Vậy trường hợp này cơ quan thuế có chấp nhập hồ sơ miễn giảm gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm 2013 không?
* Trả lời:
– Tại Tiết c.2.3, Điểm c, Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc:
“Trường hợp người nộp thuế chưa tính giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc trong năm tính thuế thì được tính giảm trừ cho người phụ thuộc kể từ tháng phát sinh nghĩa vụ nuôi dưỡng khi người nộp thuế thực hiện Quyết toán thuế và có đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc. Riêng đối với người phụ thuộc khác theo hướng dẫn tại Tiết d.4, Điểm d, Khoản 1, Điều này thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm tính thuế, quá thời hạn nêu trên thì không được tính giảm trừ gia cảnh cho năm tính thuế đó.”
– Tại Tiết d.4 Điểm d, Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC hướng dẫn người phụ thuộc:
“Các cá nhân khác không nơi nương tựa mà người nộp thuế đang phải trực tiếp nuôi dưỡng và đáp ứng điều kiện tại Điểm đ, Khoản 1, Điều này bao gồm:
d.4.1. Anh ruột, chị ruột, em ruột của người nộp thuế.
d.4.2. Ông nội, bà nội; Ông ngoại, bà ngoại; Cô ruột, dì ruột, cậu ruột, chú ruột, bác ruột của người nộp thuế.
d.4.3. Cháu ruột của người nộp thuế bao gồm: Con của anh ruột, chị ruột, em ruột.
d.4.4. Người phải trực tiếp nuôi dưỡng khác theo quy định của pháp luật.”
=> Căn cứ quy định trên trường hợp trong năm người nộp thuế chưa đăng ký giảm trừ gia cảnh đến khi nộp Quyết toán thuế mới đăng ký giảm trừ cho người phụ thuộc là bố đẻ (Ngoài độ tuổi lao động và không có thu nhập) thì vẫn được tính giảm trừ cho người phụ thuộc.
Trường hợp người phụ thuộc là các cá nhân không nơi nương tựa theo quy định trên thì thời hạn đăng ký giảm trừ gia cảnh chậm nhất là ngày 31/12 của năm tính thuế.
Tình huống 11: Tính thuế thu nhập cá nhân khi cho thuê nhà dưới 100 triệu
Hộ gia đình cho thuê tài sản có hợp đồng ký kết với bên thuê có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Khi mua hóa đơn lẻ tại cơ quan thuế có phải nộp Thuế GTGT và Thuế TNCN hay không?
* Trả lời:
– Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 11, Khoản 1 Điều 12 Thông tư số 64/2013/TT-BTC:
“Điều 11. Bán hoá đơn do Cục Thuế đặt in
1. Cơ quan thuế bán hóa đơn cho tổ chức không phải là Doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh (Bao gồm cả hợp tác xã, nhà thầu nước ngoài, ban quản lý dự án); Hộ, cá nhân kinh doanh.
Tổ chức không phải là Doanh nghiệp nhưng có hoạt động kinh doanh theo hướng dẫn tại khoản này là các tổ chức có hoạt động kinh doanh nhưng không được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp và pháp luật kinh doanh chuyên ngành khác.”
“Điều 12. Cấp hoá đơn do Cục Thuế đặt in
Trường hợp tổ chức không phải là Doanh nghiệp, hộ và cá nhân không kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc thuộc trường hợp không phải kê khai, nộp thuế giá trị gia tăng thì cơ quan thuế không cấp hoá đơn.”
– Căn cứ quy định tại Khoản 25, Điều 4 Thông tư số 219/2013/TT-BTC:
“ Điều 4. Đối tượng không chịu thuế GTGT
…
25. Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống.”.
=> Căn cứ các quy định nêu trên thì hộ gia đình là hộ không kinh doanh có phát sinh hoạt động cho thuê tài sản, hàng hóa của hộ gia đình có mức doanh thu hàng năm dưới 100 triệu đồng thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nên cơ quan thuế không bán, không cấp hóa đơn lẻ đối với trường hợp này.
Tình huống 12: Tính thuế thu nhập cá nhân khi Hộ kinh doanh có doanh thu dưới 100 triệu/ năm
Hộ có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm có phải khai và nộp tờ khai thuế Mẫu số 01/THKH cho cơ quan thuế hay không?
* Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 5 Điều 21 Thông tư số 156/2013/TT-BTC:
“Điều 21. Khai thuế và xác định số thuế phải nộp theo phương pháp khoán
…
5. Mức doanh thu không phải nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán Hộ nộp thuế khoán có mức doanh thu bằng hoặc dưới mức doanh thu không phải nộp thuế theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán.”
=> Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp hộ gia đình có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm thì hộ không phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán. Nhưng vẫn phải kê khai và nộp tờ khai thuế khoán Mẫu số 01/THKH.
Tình huống 13: Cơ sở xác định doanh thu của hộ kinh doanh
Trường hợp hộ không kê khai thuế khoán mà chỉ kê khai thuế môn bài thì có thể căn cứ vào khoảng thu nhập tối đa trên tờ khai thuế môn bài và biểu xác định tỷ lệ thu nhập trên doanh thu của Cục Thuế để tính ngược ra doanh thu tối đa làm cơ sở công khai doanh thu của hộ không phải nộp thuế khoán có được không?
* Trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 21 Thông tư số 156/2013/TT-BTC:
“6. Xác định số thuế khoán Căn cứ vào tài liệu khai thuế của Hộ nộp thuế khoán về doanh thu, thu nhập, sản lượng, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế, cơ quan thuế xác định doanh thu và mức thuế khoán dự kiến của Hộ nộp thuế khoán để niêm yết công khai, đồng thời tham vấn ý kiến của Hội đồng tư vấn thuế xã, phường.”
=> Căn cứ quy định nêu trên thì việc xác định doanh thu của Hộ nộp thuế khoán phải được căn cứ trên tài liệu khai thuế của Hộ nộp thuế khoán, cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế, kết quả điều tra doanh thu thực tế.
Tình huống 14: Tính thuế thu nhập cá nhân khi HĐLĐ trên 3 tháng, 2 tháng thì nghỉ việc
Cá nhân ký hợp đồng lao động trên 3 tháng nhưng mới làm việc được 2 tháng xin nghỉ việc vậy tính thuế như thế nào?
Căn cứ Thông tư số 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên thì tổ chức trả thu nhập thực hiện khấu trừ thuế theo biểu thuế lũy tiến từng phần.
Tình huống 15: Thuế suất toàn phần và Thuế suất lũy tiến
Trường hợp cá nhân làm việc cho công ty trong năm, có 2 tháng thử việc đóng thuế suất toàn phần (10%) và sau đó ký hợp đồng lao động và đóng thuế theo biểu lũy tiến. Thì kê khai phần thu nhập như thế nào?
Trả lời:
Căn cứ thông tư 111/2013/TT-BTC, người lao động ký hợp đồng lao động từ 03 tháng trở lên thì tổ chức trả thu nhập thực hiện khấu trừ biểu thuế lũy tiến toàn phần. Còn đối với cá nhân không ký hợp đồng lao động, thì cá nhân phải khấu trừ theo mức 10%.
Do đó, trường hợp này nếu người lao động có ủy quyền thì kê khai khấu trừ thuế cho toàn bộ thu nhập theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Còn nếu người lao động đó không ủy quyền quyết toán, thì tách làm hai.
Tình huống 16: Điều chuyển trong nội bộ công ty.
Doanh nghiệp em có tổng công ty và công ty thành viên. Nhân sự điều chuyển từ tổng công ty xuống công ty thành viên vào giữa năm, và ở hai tỉnh khác nhau. Vậy nếu người lao động quyết toán thuế thu nhập cá nhân thì sẽ như thế nào?
Trả lời: Căn cứ điểm d,1, khoản 6, điều 8, NĐ 126/2020/ NĐ-CP của chính phủ, nếu điều chuyển trong cùng hệ thống thì tổ chức mới có trách nhiệm quyết toán thuế.
Tình huống 17: Khoán công tác phí có miễn thuế Thu nhập cá nhân
- Công tác phí khoán cho người lao động đi công tác nếu phù hợp với quy chế tài chính hoặc quy chế nội bộ của doanh nghiệp thì được hạch toán vào chi phí hợp lý, đồng thời được miễn khấu trừ thuế TNCN.
- “Công tác phí” được hiểu bao gồm tiền đi lại, tiền ở, và tiền phụ cấp (khoản 2 Điều 4 Thông tư 92/2015/TT-BTC sửa đổi bổ sung Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
Theo Công văn số 10858/VTHN-TTHT ngày 09/04/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNDN, TNCN đối với khoản chi công tác phí
Tình huống 18: Tặng quà cho nhân viên có phải khấu trừ thuế?
- “Quà tặng” chỉ bị tính thuế TNCN nếu là: chứng khoán, vốn góp, bất động sản và những tài sản phải đăng ký sở hữu (xe máy, ô tô, tàu, thuyền, …) (khoản 10 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC)
- Theo đó, khi Công ty tặng quà bằng hiện vật cho nhân viên, chỉ phải khấu trừ thuế TNCN nếu thuộc những tài sản kể trên.
- Trường hợp tặng những tài sản khác thì được miễn khấu trừ thuế.
Theo Công văn số 10145/CTHN-TTHT ngày 05/04/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về thuế TNCN đối với quà tặng cho nhân viên.
Tình huống 19: Trả tiền công theo hợp đồng dịch vụ phải khấu trừ thuế TNCN 10%
- Trường hợp công ty ký hợp đồng dịch vụ (không ký hợp đồng lao động hoặc ký hợp đồng lao động dưới 3 tháng) với các cá nhân cung cấp dịch vụ thì khi phát sinh chi trả thu nhập với tổng mức thu nhập từ 2 triệu/lần trở lên thì Công ty phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%
Theo Công văn số 10144/CTHN-TTHT ngày 05/04/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế TNCN.
Tình huống 20: Khoản bồi thường do chấm dứt HĐLĐ sai luật không được miễn thuế TNCN
- Theo quy định tại Khoản 3 Điều 12 Thông tư 92/2015/TT-BTC, các khoản bồi thường được miễn thuế TNCN chỉ bao gồm: bồi thường bảo hiểm; bồi thường tai nạn lao động; bồi thường đất; bồi thường từ nhà nước khi xử phạt, buộc tội không đúng và bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo luật dân sự.
- Theo đó, các khoản bồi thường khi cho người lao động nghỉ việc trái pháp luật như bồi thường tiền lương trong thời gian không được làm việc, bồi thường 2 tháng lương do chấm dứt HĐLĐ trái luật, khoản truy thu do chênh lệch mức đóng BHXH không thuộc diễn miễn thuế TNCN. Khi chi trả, bắt buộc phải khấu trừ thuế.
- Cần lưu ý, các khoản chi trả tiền bồi thường sau khi đã chấm dứt HĐLĐ phải tính thuế TNCN theo tỷ lệ 10%, không áp dụng biểu lũy tiến (khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC). Phía doanh nghiệp vẫn được hạch toán chi phí bồi thường do chấm dứt HĐLĐ trái luật nếu đáp ứng các điều kiện tại khoản 1 Điều 4 và không thuộc các trường hợp nêu tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC.
Công văn số 3453/CTHN-TTHT ngày 27/01/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội về chính sách thuế đối với khoản phải trả cho cá nhân do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Tình huống 21: Nộp thuế thiếu do khai sai người phụ thuộc, xử phạt công ty hay người lao động?
- Theo quy định tại khoản 5 Điều 12 Nghị định 65/2013/NĐ-CP người nộp thuế (tức người lao động) phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác của việc kê khai người phụ thuộc.
- Trường hợp khai trùng người phụ thuộc khi kê khai giảm trừ gia cảnh dẫn đến đơn kê khai thiếu tiền thuế TNCN và trường hợp cá nhân có nhiều nguồn thu nhập nhưng ủy quyền quyết toán thuế TNCN dẫn đến công ty kê khai sau phát sinh số tiền hoàn thuế thì Cơ quan thuế xử phạt đối với hành vi khai sai của người nộp thuế theo quy định của Luật quản lý Thuế.
- Công ty trả thu nhập có trách nhiệm thông báo, làm việc với cá nhân và tổng hợp, kê khai nộp đủ số thuế vào NSNN theo quy định của pháp luật.
- Việc xử phạt khai sai được thực hiện theo khoản 1, khoản 2 Điều 12 Thông tư số 166/2013/TT-BTC về xử phạt vi phạm hành chính thuế
Theo công văn số 3254/TCT-DNNCN ngày 10/08/2020 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN.
Tình huống 22: Đóng góp thiên tai có giảm trừ thuế Thu nhập cá nhân
- Theo quy định tại Điều 5 Nghị định 94/2014/NĐ-CP, hàng năm, mỗi người lao động sẽ phải đóng góp 1 ngày lương (tính theo mức lương tối thiểu vùng) vào Quỹ phòng chống thiên tai. Trường hợp người lao động tại các tổ chức có đóng góp vào quỹ phòng chống thiên tai được thành lập theo quy định tại Nghị định số 94/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 của Chính phủ thì người lao động được tính giảm trừ đối với khoản đóng góp nêu trên vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
- Riêng đối với doanh nghiệp, mức đóng góp bắt buộc cho Quỹ này tính theo tỉ lệ 2/10.000 trên tổng giá trị tài sản theo báo cáo tài chính, tối thiểu không ít hơn 500.000 đồng và tối đa không quá 100 triệu đồng. Khoản đóng góp bắt buộc này của doanh nghiệp cũng được hạch toán vào chi phí khi tính thuế TNDN. Chứng từ hạch toán chỉ cần có phiếu thu và phiếu chi (Công văn số 1881/TCT-CS ngày 05/05/2016)
Theo Công văn số 3275/TCT-DNNCN ngày 11/08/2020 của Tổng cục Thuế về chính sách thuế TNCN
Tình huống 23: Làm việc bán thời gian có được tính thuế lũy tiến hay không?
- Đối với người lao động đang làm việc bán thời gian nhưng giao kết hợp đồng từ 3 tháng trở lên thì vẫn được khấu trừ thuế theo biểu lũy tiến.
- Quy định về khấu trừ thuế TNCN tại khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC không phân biệt người lao động làm việc toàn thời gian hay bán thời gian.
Theo Công văn số 947/CT-TTHT ngày 10/02/2020 của Cục Thuế TP.HCM về thuế TNCN.
Tình huống 24: Đóng thay BHXH cho người lao động có phải khấu trừ thuế TNCN?
- Theo Cục Thuế TP.HCM, trường hợp Công ty trả thay các khoản bảo hiểm bắt buộc thuộc nghĩa vụ đóng của người lao động (BHXH, BHYT, BHTN) thì các khoản chi trả này phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động.
- Tuy nhiên, các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc này sẽ được giảm trừ khỏi thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
Theo Công văn số 9653/CT-TTHT ngày 04/09/2019 của Cục Thuế TP.HCM.
Tình huống 25: Tiền hỗ trợ thôi việc khấu trừ theo biểu lũy tiến hay tỷ lệ?
- Tùy thuộc thời điểm chi trả tiền hỗ trợ cho người lao động nghỉ việc là trước hay sau khi thôi việc, sẽ khấu trừ thuế TNCN theo cách khác nhau.
- Theo đó, nếu chị trả trước thời điểm người lao động thôi việc thì được tính và khấu trừ thuế TNCN theo biểu lũy tiến (điểm b khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
- Ngược lại, nếu chi trả sau thời điểm người lao động thôi việc thì phải tính và khấu trừ thuế TNCN theo tỉ lệ 10% (điểm i khoản 1 Điều 25 Thông tư 111/2013/TT-BTC).
- Người lao động có nghĩa vụ quyết toán thuế TNCN theo biểu lũy tiến trên toàn bộ tiền lương bao gồm cả khoản tiền hỗ trợ nêu trên.
Theo Công văn số 704/CT-TTHT ngày 08/07/2019 của Cục Thuế TP.HCM.
Tình huống 26:Trợ cấp tài chính có khấu trừ thuế
Theo thỏa thuận tại hợp đồng lao động trên 3 tháng, khi công ty chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, Công ty A sẽ hỗ trợ nhân viên một khoản trợ cấp tài chính (2 tháng lương). Vậy, Công ty A sẽ thực hiện khấu trừ thuế TNCN như thế nào với khoản hỗ trợ này?
- Trường hợp công ty chi trả các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho người lao động (ký hợp đồng lao động với Công ty từ 03 tháng trở lên) do Công ty chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn thì:
- Đối với khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động nghỉ việc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ Luật lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của người lao động.
- Đối với khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động nghỉ việc cao hơn mức quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ Luật lao động thì Công ty thực hiện tổng hợp cùng với tiền lương, tiền công để khấu trừ thuế TNCN theo biểu thuế lũy tiến từng phần trước khi chi trả.
- Trường hợp công ty chi trả cho người lao động khoản hỗ trợ tài chính bằng 2 tháng lương sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, nếu khoản chi này từ 2.000.000 đồng trở lên thì Công ty phải khấu trừ thuế TNCN theo mức 10% trên tổng thu nhập chi trả.
Theo văn bản 39722/CT-TTHT ngày 29/05/2019 của Cục Thuế Hà Nội
Tình huống 27: Nghỉ hưu đi làm thêm tính thuế thu nhập cá nhân như thế nào?
Bà A là cán bộ đã nghỉ hưu đang được hưởng lương hưu theo quy định. Sau khi nghỉ hưu, bà A có làm thêm tại một công ty và được chi trả tương đương mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc. Vậy khoản thu nhập này của bà A là khoản thu nhập chịu thuế hay thu nhập miễn thuế TNCN?
- Theo quy định của Luật thuế TNCN, khoản tiền lương hưu của bà A là khoản thu nhập được miễn thuế TNCN.
- Còn khoản tiền Công ty chi trả cho bà A tương đương mức đóng BHXH, BHYT bắt buộc tính vào thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công của người lao động.
Theo điểm k Điều 3 Thông tư 111/2013/NĐ-CP ngày 15/08/2013 và Công văn số 29570/CT-TTHT ngày 14/05/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội
Tình huống 28: Tiền thuê nhà, điện thoại có tính thuế TNCN
Công ty chi trả phụ cấp tiền thuê nhà hoặc tiền nhà ở, điện thoại cho người lao động có tính vào thu nhập chịu thuế TNCN của người lao động hay không?
- Công ty trả phụ cấp tiền thuê nhà hoặc tiền nhà ở, điện thoại cho người lao động, ghi cụ thể điều kiện được hưởng và mức được hưởng tại một trong các hồ sơ sau: Hợp đồng lao động; Thỏa ước lao động tập thể; Quy chế tài chính của Công ty; Quy chế thưởng do Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc quy định theo quy chế tài chính của Công ty thì:
- Khoản phụ cấp tiền thuê nhà, tiền nhà ở: khoản tiền thuê nhà, điện nước và các dịch vụ kèm theo (nếu có) đối với nhà ở do Công ty trả hộ tính vào thu nhập chịu thuế của người lao động theo số thực tế trả hộ nhưng không vượt quá 15% tổng thu nhập chịu thuế phát sinh (chưa bao gồm tiền thuê nhà) tại đơn vị không phân biệt nơi trả thu nhập. Khoản phụ cấp tiền thuê nhà, tiền nhà ở này được tính vào thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công và được tính theo quy định tại Điều 7 Thông tư 111/2013/TT-BTC.
- Khoản phụ cấp tiền điện thoại: Công ty chi tiền điện thoại cho người lao động trong mức khoán chi quy định thì khoảng chi tiền điện thoại cho cá nhân là thu nhập được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNCN, chi tiền điện thoại cho người lao động cao hơn mức khoán chi quy định thì phần chi cao hơn mức khoán chi quy định phải tính vào thu nhập chịu thuế TNCN.
Theo Công văn số 1166/TCT-TNCN ngày 21/03/2016; Công văn 450/TCT-TNCN ngày 04/01/2018 của Tổng cục Thuế; Công văn 4875/CT-TTHT ngày 30/01/2018; Công văn 79557 CT-TTHT ngày 03/12/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội.
Tình huống 29: Người lao động không có CMND
Công ty A trong năm có thuê một số cá nhân làm thời vụ không có CMND, vậy Công ty có cần đăng ký thuế cho các cá nhân không có CMND này không?
- Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên, đang cư trú trên lãnh thổ Việt Nam có nghĩa vụ đến cơ quan Công an nơi đăng ký hộ khẩu thường trú làm thủ tục cấp CMND/CCCD trừ các trường hợp tạm thời chưa được cấp CMND/CCCD theo quy định; đồng thời các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm thực hiện đăng ký thuế theo quy định.
- Do đó, chỉ các cá nhân tạm thời chưa được cấp CMND/CCCD theo quy định thì tạm thời chưa được cấp MST.
Theo Công văn số 14677/CT-TTHT ngày 04/04/2018 của Cục Thuế TP. Hà Nội.
Tình huống 30: Có cần chứng minh thu nhập người phụ thuộc
Người phụ thuộc được đăng ký giảm trừ gia cảnh thuộc trường hợp quy định không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 1.000.000 đồng thì có phải xin xác nhận của phường xã về mức thu nhập hay không?
- Trường hợp người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC thì hồ sơ chứng minh đối với người phụ thuộc thực hiện tương ứng theo điểm g, khoản 1 Điều 9 Thông tư số 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
- Trường hợp người nộp thuế kê khai người phụ thuộc không có thu nhập hoặc có thu nhập bình quân tháng trong năm từ tất cả các nguồn thu nhập không vượt quá 01 (một) triệu đồng thì người nộp thuế phải cam kết và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin người phụ thuộc. (Không phải xin xác nhận thu nhập không quá 1 triệu)
Theo Công văn số 95765/CT-TTHT ngày 31/12/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội.
Tình huống 31: Cá nhân nào Quyết toán thuế trực tiếp
- Cá nhân phải tự thực hiện quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế trong các trường hợp sau:
- Cá nhân thuộc các trường hợp được ủy quyền cho tổ chức quyết toán nhưng đã được cấp chứng từ khấu trừ thuế TNCN (trừ trường hợp chứng từ khấu trừ thuế đã bị thu hồi và hủy)
- Cá nhân không thuộc trường hợp được ủy quyền cho tổ chức quyết toán thay, bao gồm:
- Cá nhân chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10%
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một NSDLĐ, đồng thời có thu nhập vãng lai trên 10 triệu đồng/tháng hoặc chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ)
- Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại 02 đơn vị trở lên trong năm
- Cá nhân trong năm có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký HĐLĐ từ 03 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập nhưng thực tế không còn làm việc tại đó đến hết năm 2019
- Cá nhân trong năm không ký HĐLĐ hoặc ký HĐLĐ dưới 03 tháng
- 3) Cá nhân cứ trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo
- 4) Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải khai quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.
- Lưu ý: Trường hợp cá nhân xác định không phải nộp thêm thuế TNCN khi quyết toán hoặc có số thuế nộp thừa nhưng không có nhu cầu hoàn lại thì không cần phải thực hiện quyết toán thuế TNCN với cơ quan thuế.
Căn cứ điểm d Điều 26 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính
Tình huống 32: Một người làm phụ thuộc nhiều lần có được ko?
Người nộp thuế A đăng ký giảm trừ người phụ thuộc X từ tháng 01/2019, đến tháng 07/2019 người nộp thuế A cắt giảm người phụ thuộc X đến hết tháng 6/2019 để người nộp thuế B (vợ của A) đăng ký giảm trừ người phụ thuộc X từ tháng 07/2019 có được không?
- KHÔNG ĐƯỢC. Do mỗi người phụ thuộc chỉ được tính giảm trừ một lần vào một người nộp thuế trong năm tính thuế. Trường hợp nhiều người nộp thuế có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng thì người nộp thuế tự thỏa thuận để đăng ký giảm trừ gia cảnh vào một người nộp thuế.
Căn cứ điểm c, khoản 1 Điều 9 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013 của Bộ Tài chính
Tình huống 33: Người nước ngoài có phải tính thuế thu nhập cá nhân
Năm 2020, Người nước ngoài phát sinh thu nhập tại Việt Nam có phải thực hiện quyết toán thuế TNCN không?
- Năm 2020, người nước ngoài đó phải thực hiện quyết toán TNCN nếu:
- Là cá nhân cư trú của Việt Nam; và
- Có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo
- Hoặc, trường hợp trong năm cá nhân người nước ngoài khai trực tiếp với cơ quan thuế thì cuối năm phải thực hiện quyết toán thuế
- Ngược lại, người nước ngoài nếu là cá nhân không cư trú, hoặc là cá nhân cư trú nhưng không có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa mà không có nhu cầu hoàn thuế thì không phải thực hiện quyết toán thuế TNCN năm 2020
Căn cứ Điều 1 Thông tư 111/2013/TT-BTC ngày 15/08/2013; Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính
Tình huống 34: Khấu trừ thuế TNCN với hộ kinh doanh
Công ty A ký HĐLĐ với cá nhân là hộ kinh doanh thì việc khấu trừ thuế TNCN được thực hiện như thế nào?
- Công ty A ký HĐLĐ với cá nhân thì Công ty thực hiện các quy định về khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thực hiện quyết toán thuế TNCN theo ủy quyền của cá nhân theo quy định, không phân biệt cá nhân là chủ hộ kinh doanh hay không phải là chủ hộ kinh doanh.
- Công ty A ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân đáp ứng các điều kiện là thương nhân như: có đăng ký kinh doanh cùng ngành nghề hoặc có đăng ký thuế theo hình thức hộ kinh doanh cùng ngành nghề với hợp đồng dịch vụ, thì Công ty không khấu trừ thuế TNCN mà cá nhân (hộ kinh doanh) phải cấp hóa đơn (nếu thuộc diện được sử dụng hóa đơn) hoặc lập Bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn mẫu số 01/TNDN (nếu không thuộc diện được sử dụng hóa đơn)
- Công ty A ký hợp đồng với cá nhân khác với trường hợp nếu trên thì Công ty thực hiện khấu trừ theo quy định về tiền lương, tiền công theo thuế suất 10% trước khi trả cho cá nhân.
Theo Công văn số 2355/TCT-DNNCN ngày 10/06/2019 của Tổng cục Thuế
Ngoài ra, mỗi giai đoạn các quy định về Thuế thu nhập cá nhân sẽ thay đổi. Chính vì thế, bạn cần một bác sỹ tài chính có thể giúp mình kiểm soát các hoạt động một cách phù hợp. Bạn có thể liên hệ Việt nếu muốn tìm hiểu dịch vụ hoạch định tài chính cá nhân cao cấp nhé.
Dưới đây là các thông tin liên hệ nếu trường hợp các bạn muốn hiểu rõ các dịch vụ nhé!
👉Tham gia Cộng đồng Yêu thương con cái và Quản lý tài chính gia đình và cá nhân hiệu quả: tại đây
👉Đăng ký 30p tư vấn Hoạch định tài chính cùng chuyên gia: tại đây
Ngoài ra, bạn có thể xem các sản phẩm hiện tại chúng tôi đang support:
1. Bảo hiểm Ung thư – Với mức đóng 5000 đồng/ ngày bảo vệ 750 triệu đồng Tại đây
2. Bảo hiểm Bảo vệ thu nhập hàng tháng của người trụ cột trước mọi biến cố tại đây
Nếu bạn cần hiểu về các trường hợp loại trừ, không chi trả của bảo hiểm, bạn có thể xem Talkshow: tại đây
Một số bài báo có sự tham gia của mình:
1. Đừng để bảo hiểm trở thành gánh nặng
2. Sự nghiệp chuyển ngang sang Tư vấn tài chính cá nhân chuyên nghiệp
👉Kết nối với Chuyên gia Trần Việt để tư vấn, hoạch định tài chính và xây dựng giải pháp tài chính:
👉Hotline: 090.226.1286
👉Website: https://tranvietmb.com/
👉Facebook: https://www.facebook.com/tranviet.mbageas
👉Fanpage: https://www.facebook.com/tranviet.trustlife
👉Tiktok: https://www.tiktok.com/@tranviet.mb