Xin chào các bạn, mình là Trần Việt MB – Chuyên gia tài chính, bảo hiểm thuộc công ty bảo hiểm Quân đội MB Ageas Life. Chủ đề ngày hôm nay mà mình muốn chia sẻ với các bạn là 28 lưu ý cần thiết khi đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu. Đây là một chủ đề nền tảng dành cho bất kỳ nhà đầu tư nào để có thể tăng tỷ lệ đầu tư thành công và giảm thiểu những rủi ro, mất mát. Những người mới bắt đầu học để tham gia thị trường chứng khoán thường bị ngợp kiến thức và bị nhiễu thông tin từ quá nhiều nguồn, nên chính vì vậy họ thường hành động trên thị trường như những kẻ đánh bạc máu đỏ đen, điều đó khiến cho tiền mất, và tật thì mang.
Mình hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn có một lộ trình chính xác trong quá trình đầu tư của mình
-
Chuẩn bị một ngân sách vừa đủ khi đầu tư chứng khoán.
Ngân sách khi đầu tư chứng khoán bao nhiêu là vừa? Để trả lời cho câu hỏi này, bạn cần phải hiểu rõ, chứng khoán là một kênh đầu tư nằm trong một danh mục các kênh đầu tư chứ chứng khoán không phải là kênh đầu tư duy nhất. Trong các loại tài sản, kênh để bạn thực hiện việc đầu tư sinh lời, thì chứng khoán là kênh có lợi nhuận cao nhưng rủi ro đi kèm cũng rất cao. Chính vì thế, khi đầu tư bạn cần lưu ý chỉ dành từ 20 – 40% cho việc đầu tư chứng khoán, phần còn lại phân bổ vào các kênh khác nhau như chứng chỉ quỹ, trái phiếu doanh nghiệp, vàng, gửi tiết kiệm và tài sản phòng vệ là các loại bảo hiểm như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội và bảo hiểm nhân thọ. Ngoài ra, nếu bạn có vốn lớn có thể lựa chọn thêm bất động sản.
Mục đích của việc phân bổ ngân sách này nhằm mục đích khi có những biến động mạnh trên thị trường thì các tài sản phòng vệ sẽ giúp bạn đứng vững đồng thời có nguồn lực dồi dào để có thể nắm bắt những thời cơ khi “Tham lam khi người khác sợ hãi, sợ hãi khi người khác tham lam”
2. Phải lựa chọn Broker – Môi giới chứng khoán chuyên nghiệp
Điều này cũng giống như khi bạn mua một gói bảo hiểm nhân thọ vậy, thì người tư vấn đóng vai trò quyết định, bởi họ là những người làm chủ cuộc chơi và là chuyên gia. Đối với thị trường chứng khoán cũng tương tự, môi giới chuyên nghiệp họ sẽ đặt quyền lợi khách hàng lên hàng đầu chứ không chỉ đơn thuần vì lợi ích của mình. Khi đó, một đồng bạn bỏ ra sẽ nhận được đồng mốt, đồng mốt ở đây chính là kiến thức và trình độ của người môi giới.
Thứ hai, hầu hết các nhà đầu tư nghiệp dư đều không có đủ thời gian cập nhật tình hình thị trường hoặc có cập nhật nhưng thiếu quá nhiều kiến thức. Chính vì vậy, các quyết định đưa ra là không đủ chính xác. Nên khi có một người chuyên nghiệp tổng hợp và đánh giá thông tin, thì sẽ giúp bạn bớt đi công sức, mà lại có cơ hội thắng nhiều hơn. Vậy nên, khi đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu, thì nên tìm đến một môi giới uy tín và chất lượng
3. Lựa chọn cổ phiếu ở ngành nghề mà mình am hiểu hoặc đã biết
Thời gian đầu, mình chỉ lựa chọn những cổ phiếu mà mình hiểu nhất, hoặc những cổ phiếu mà mình đã vào doanh nghiệp và trải nghiệm dịch vụ khách hàng của họ. Quan điểm của mình là điều nhỏ phản ánh điều to, khi xuống tiền mua cổ phiếu MBB thì mình cũng đồng thời là người hiểu nhất về MBB, triết lý, quan điểm, nguồn lực của họ để tin tưởng đầu tư trong dài hạn. Như vậy ở đây, để đầu tư mình đã có quá trình tìm hiểu, trải nghiệm dịch vụ, đồng thời có sự nghiên cứu cơ bản về kế hoạch phát triển của MBB để quyết định.
Đồng thời, ở khía cạnh của ngành nghề kinh doanh, thì ngành tài chính – ngân hàng cũng là sở trường của mình. Nên khi đầu tư, mình sẽ khoanh vùng ngành nghề thuộc thế mạnh, chứ không bao giờ để mình rơi vào hoàn cảnh đó là mua những cổ phiếu mà không biết chút gì về doanh nghiệp đó.
Người mới bắt đầu khi đầu tư chứng khoán thường là không có đủ kiến thức, kỹ năng nên họ quá lan man trong quá trình đầu tư.
4. Không mua bán theo tin, vì giá luôn đi trước tin.
Mua cổ phiếu theo đám đông, mua theo tin là một trong những sai lầm xuẩn ngốc nhất mà mình từng thấy khi đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu. Khi một tin được tung ra trên thị trường, thì thường giá đã đi trước đó vài ba phiên. Những cá mập, kẻ săn tin, những cổ đông nội bộ họ sẽ nắm tin trước tiên và thậm chí họ có quyền chủ động tạo ra thông tin để dẫn dắt đám đông. Dĩ nhiên, cũng có những doanh nghiệp mà tin tức của họ thực sự chất lượng đúng không?
Tuy vậy, khi tin được ra thì đồng nghĩa với việc, không chỉ mình bạn biết mà hàng triệu người khác đã biết, nên nếu thời điểm đó bạn xuống tiền, thì cũng là lúc bạn đang mua ở vùng giá cao, hoặc mua đỉnh. Các cụ ta thường có câu “Trâu chậm uống nước đục” là như vậy ? 🙂
5. Bạn là nhà đầu cơ – lướt sóng
Đầu cơ – lướt sóng là cách chơi cổ phiếu ngắn hạn, mua bán theo ngày, mua bán theo tin, mua bán theo đồ thị phân tích kỹ thuật. Tuy vậy, kể cả việc bạn tin vào phân tích kỹ thuật, thì bạn cũng cần phải nắm rõ một điều, đó là phân tích kỹ thuật dựa vào những đồ thị được phản ánh trong quá khứ, và đưa vào hiện tại. Do vậy, một là quá khứ chỉ phản ánh phần nào tương lai, thậm chí là không thể phản ánh được bởi thị trường vận hành theo nguyên lý bước đi ngẫu nhiên, thứ hai là phân tích kỹ thuật luôn sẽ đi chậm hơn so với hành động của các nhà đầu tư trên thị trường, khi bạn định hình được thì mọi việc có thể đã … xong. Một điểm nữa về đầu cơ đó chính là các loại phí so với lợi nhuận bạn thu được có đủ để bạn chiến thắng. Những người đầu cơ mua đi, bán lại thường chịu những khoản phí rất lớn, và những lợi nhuận ở mức cao của họ thực tế sau khi trừ đi chi phí …. thì không hề dễ dàng để duy trì chút nào.
Những người mới bắt đầu đầu tư chứng khoán thì thường là nói về đầu tư dài hạn nhưng sau đó để cảm xúc chi phối và cuốn vào đầu tư ngắn hạn.
6. Bạn là nhà đầu tư dài hạn
Nhà đầu tư là những người mua cổ phiếu dự trên những con số không biết nói dối. Đó là việc họ hiểu rằng, thị trường là ngẫu nhiên không ai có thể kiểm soát, nhưng thứ duy nhất họ kiểm soát được đó chính là những con số từ báo cáo tài chính của doanh nghiệp (bảng cân đối kế toán, bảng kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, thuyết minh) và những kỳ vọng trong tương lai. Một cổ phiếu tốt luôn có cần có sự tăng trưởng về doanh thu, lợi nhuận liên tục, từ đó giá cổ phiếu mới tăng. Mà các yếu tố giúp tăng trưởng doanh thư là một câu chuyện tăng trưởng trong tương lai như dự án A, B…..
Tuy vậy, chúng ta cũng không thể chắc chắn được những biến cố trong dài hạn bởi một cổ phiếu tốt … chưa chắc đã tốt bởi nó phụ thuộc vào vĩ mô, ngành và cả thời điểm mà bạn mua thì giá cổ phiếu đó là bao nhiêu. Nên, việc đánh giá cổ phiếu cơ bản là điều bắt buộc phải làm, nhưng không hẳn là đã có sự chắc chắn 100%. Nên khi bạn mua một cổ phiếu dù cơ bản tốt, cần cân đối và hoạch định về thời gian nắm giữ và mục tiêu tăng trưởng.
7. Mua vì lý do nào, thì bán vì lý do đó.
Nếu nhà đầu tư mua theo yếu tố cơ bản của doanh nghiệp thì sẽ bán chốt lời khi đạt mục tiêu, hoặc bán cắt lỗ khi một trong các yếu tố ban đầu đảo chiều, tác động tiêu cực lên hoạt động doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu sụt giảm.
Việc kiên định theo quy chuẩn quản trị rủi ro của riêng bản thân đã đặt ra sẽ giúp nhà đầu tư không còn lo lắng tìm điểm bán với cổ phiếu. Có thể nhiều trường hợp mức sinh lời thấp hơn đà tăng thực tế, hoặc “bán đúng đáy”, nhưng kỷ luật vẫn hơn là việc đuổi theo và đoán diễn biến thị trường.
Lấy ví dụ cụ thể, bạn mua một mã cổ phiếu vì kỳ vọng vào việc doanh nghiệp tăng trưởng lợi nhuận từ việc hoàn thiện và đưa vào vận hành một dự án cụ thể. Khi dự án hoàn thành, doanh thu lợi nhuận tăng phản ánh vào giá cổ phiếu. Đó là thời điểm bạn nên bán ra, mua vì lý do gì, bán vì lý do đó là vì như vậy.
8. Cắt lỗ là biểu hiện của kỷ luật trong đầu tư.
Một kinh nghiệm xương máu mà mình học được, đó là bạn chẳng thế biết được cổ phiếu có thể xuống, xuống, xuống… sâu đến mức nào. Nên khi đầu tư cần có kỷ luật về việc bán ra khi nào, nếu như bạn định bán ra khi lợi nhuận mục tiêu đạt 20% thì bạn phải xây dựng cho mình một khung cắt lỗ là 5% hay 10%. Dĩ nhiên, chẳng ai muốn mình đầu tư thua lỗ, nhưng nếu như bây giờ bạn thua 10%, nhưng bạn có những cơ hội đầu tư hơn 10% thì bạn có chấp nhận thua lỗ để làm lại? Hoặc nếu như bây giờ thay vì thua lỗ 10%, thì thị trường tiếp tục xuống đến 15%, 20% hoặc hơn, thì khi đó bạn sẽ phải chấp nhận một mức lỗ cao hơn hoặc phải chấp nhận thời gian chôn vốn chờ mã cổ phiếu hồi phục lâu hơn.
Thực tế, có những mã cổ phiếu mà … không thể hồi phục. Và càng lúc nhà đầu tư càng bị thua lỗ và mất tiền. Nên việc kỷ luật trong việc cắt lỗ là cực kỳ quan trọng.
Vậy mức cắt lỗ là bao nhiêu, tuỳ theo khẩu vị rủi ro của từng người. Nếu bạn là người có khẩu vị rủi ro cao, máu liều thì có thể là 10 -15%, nhưng nếu bạn là người có khẩu vị rủi ro thấp, thì có thể là 5-7% tuỳ theo từng trường hợp cụ thể. Đầu tư chứng khoán đối với người mới bắt đầu thì thường sẽ rất khó để làm được việc cắt lỗ có kỷ luật, những ai làm được thì sẽ có thành công sớm hơn. Đôi khi việc dám cắt lỗ cũng là một dạng thể hiện của bản lĩnh đầu tư.
9. Hãy tham lam khi người khác sợ hãi, và sợ hãi khi người khác tham lam
Bản thân mình đã từng chứng kiến những xu hướng (trends) tăng giá bất chấp, phi logic của thị trường. Một cổ phiếu xác chết cũng có thể sống dậy nhờ sự quá khích và cảm hứng của nhà đầu tư. Người người, nhà nhà fomo – Hội chứng sợ mất cơ hội, và đẩy giá cổ phiếu lên cao chót vót. Tuy vậy, đỉnh điểm của sự lạc quan thì sau đó là sự sợ hãi, là những cú rơi về giá trị thực của cổ phiếu. Vào những thời điểm này, bạn có thể sẽ vĩnh viễn không có cơ hội lấy lại những gì đã mất.
Ngược lại, cũng có những cú rơi kinh điển của thị trường, nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo, còn những người kinh nghiệm thì đã luôn dự trù một khoản để mua cổ phiếu giá rẻ. Những pha mà ở đó thị trường giảm điểm sâu sắc do khủng hoảng, do bối cảnh tin tức kinh tế, chính trị ảnh hưởng thì đó lại là cơ hội để mua vào.
Nên ở đây, lời khuyên của mình là có hai việc bạn cần nhớ:
- Khi khủng hoảng, là cơ hội để gia tăng tài sản
- Không bao giờ dồn hết tiền 100% vào cổ phiếu, mà luôn có một khoản dự phòng để chờ đợi những cơ hội tốt nhất.
10. No Margin
Mình thì có khẩu vị rủi ro không cao, làm mọi việc luôn đặt tính chắc chắn lên hàng đầu. Nên mình nói không với Margin và Full Margin. Dẫu rằng có những cơ hội nhận 2, 3 tài sản , nhưng cũng sẽ có những rủi ro mất toàn bộ số tiền. Call Margin là hiện tượng khi thị trường, hoặc mã cổ phiếu của bạn giảm dẫn dẫn đến thấp hơn tỷ lệ cho phép của công ty chứng khoán thì khi đó công ty chứng khoán sẽ bán cổ phiếu của bạn với bất kỳ giá nào để đảm bảo ngưỡng cho phép. Nếu bạn không muốn công ty chứng khoán tự động bán thì bạn phải nạp thêm tiền.
Thực tế, hiện tượng này có thể xảy ra đồng loạt không phải chỉ một tài khoản, mà là trên diện rộng kéo giá cổ phiếu sụt giảm thê thảm khi lênh bán Call Margin xuất hiện. Điều này, là một rủi ro lớn với nhà đầu tư.
11. Số lượng cổ phiếu trong một danh mục đầu tư
Đối với nhà đầu tư cá nhân, thì số lượng cổ phiếu mình khuyến nghị là 3-5 cổ phiếu. Bạn có thể mua nhiều hơn thì tuỳ bạn, nhưng lý giải cho việc vì sao mình khuyên như vậy, thì thay vì có quá nhiều cổ phiếu, thì chúng ta tập trung vào 3 – 5 cổ phiếu mà chúng ta hiểu rõ nhất, khi thị trường đảo chièu thì việc cần làm là tiếp tục tích luỹ thêm.
Hầu hết, những nhà đầu tư mới thường nắm giữ quá nhiều, hoặc có xu hướng mua không có kiểm soát, nên dẫn đến việc danh mục hỗn loạn, lộn xộn, không có logic trong đó. Bản chất là cứ tưởng đó là đa dạng hoá danh mục, nhưng thực tế lại là việc mua quá khả năng dẫn đến không kiểm soát được chất lượng.
Nên lời khuyên của mình, chỉ tham gia những sân chơi mà mình hiểu nhất.
12. Đa dạng hoá danh mục theo ngành nghề
Chiều ngang là các ngành nghề, bạn có thể lựa chọn 2-3 ngành nghề mà mình am hiểu, sau đó chọn những cổ phiếu có kỳ vọng tăng trưởng và nền tảng cơ bản nhất để nắm giữa. Đa dạng hoá danh mục là một nguyên tắc giảm thiểu rủi ro cơ bản, tức là sẽ luôn có tỷ lệ cổ phiếu này tăng và cổ phiếu kia chững, hoặc giảm, điều đó giúp nhà đầu tư tránh được rủi ro tập trung trong đầu tư (bỏ hết trứng vào một giỏ).
Ở đây, cũng có thể hiểu, đa dạng hoá là sự đối lập, tăng giảm của các ngành nghề trong chu kỳ kinh tế. Ví dụ có những thời điểm, chu kỳ kinh tế tốt thì các cổ phiếu của ngành nghề giúp tăng trưởng GDP hoặc được nhà nước ưu tiên phát triển mạnh như ngân hàng, tài chính, xây dựng sẽ chiếm lĩnh, nhưng ngược lại vào những chu kỳ kinh tế xấu thì các cổ phiếu phòng thủ như điện, nước, …. sẽ chiếm lĩnh. Chính vì vậy, đa dạng hoá được hiểu không phải có nhiều cổ phiếu là đa dạng hoá, mà là đa dạng hoá theo tính chất của ngành nghề.
13. Đa dạng hoá danh mục theo tính chất đầu tư
Kinh nghiệm của Trần Việt MB là luôn đa dạng hoá theo tính chất đầu tư dạng 2 dài : 1 ngắn, hoặc 2 ngắn : 1 dài. Tức là sẽ xác định thời gian nắm giữ các cổ phiếu là bao nhiêu? Có những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, kỳ vọng tốt và xác định đầu tư dài hạn (thường chiếm 70%), nhưng cũng có những cổ phiếu sẽ nắm giữ 3-6 tháng (đầu cơ – chiếm 30%). Mình làm điều này vì mục đích có những cơ hội thấy rõ trong ngắn hạn chúng ta không để lỡ mất nhưng vẫn có những cổ phiếu phòng thủ theo chiều sâu cho toàn bộ danh mục của mình.
14. Đa dạng hoá theo loại hình đầu tư
Bản thân mình khi đầu tư chứng khoán, cũng luôn xác định đây là kênh lợi nhuận cao, nhưng rủi ro cũng rất cao. Chính vì vậy, tổng tài sản của bạn giả sử là 100%, thì bạn cần phân bổ danh mục cho hài hoà. Cụ thể hiện tại mình phân bổ như sau:
- Cổ phiếu: 30 – 40%
- Chứng chỉ quỹ: 10% – 20%
- Trái phiếu doanh nghiệp: 10% (đa dạng 3-4 công ty)
- Bảo hiểm liên kết đơn vị (dạng bảo hiểm đầu tư kết hợp bảo vệ): 10 – 15%
- Vàng: 5-7%
- Gửi tiết kiệm: 10%
- Tiền mặt 5-10%
Bạn có thể thắc mắc tại sao mình lại để tiết kiệm + tiền mặt nhiều như vậy, đó chính là bởi vì bạn sẽ luôn phải chờ đợi cơ hội để có những cú sụt giảm của thị trường chứng khoán, hoặc những cơ hội để sở hữu bất động sản ở Việt Nam. Rõ ràng, bất động sản cũng là một kênh vô cùng hấp dẫn ở nước ta, nên việc luôn tích trữ sẵn cho những cơ hội là vấn đề mình rất ưu tiên ở hiện tại.
15. No Fomo – No Cảm xúc
Điểm tiếp theo mà mình muốn chia sẻ đó chính là tâm lý sợ mất cơ hội. Khi thấy thị trường đang lên thì 90% nhà đầu tư nghĩ rằng cơ hội này nếu mình không nắm bắt thì sẽ lỡ chuyến tàu gia tăng lợi nhuận. Nhưng thực tế, với kinh nghiệm của mình, thì không bao giờ việc thực hiện mua đuổi, tức là mua theo giá lên mà không có sự đánh giá kỹ càng về tiềm năng tăng trưởng. Nếu chúng ta chỉ mua một mã cổ phiếu, bởi vì thấy nó lên 2-3 ngày hôm nay, và chúng ta nghĩ rằng nó sẽ tiếp tục lên mãi không có điểm dừng, thì đó là một quan điểm cực kỳ sai lầm đối với đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu.
Giá lên không phản ánh duy nhất tiềm năng, mà phản ánh tâm lý nhà đầu tư và các kỹ thuật của tay to, của đội lái và của nhiều tổ chức khác trong và ngoài nước. Nên chính vì vậy, khi bạn mua giá lên mà không có cơ sở, lúc đó là bạn mua bằng cảm xúc và tâm lý sợ mất cơ hội. Điều này sẽ làm bạn có thể có lời trong ngắn hạn, nhưng sẽ mất nhiều hơn trong dài hạn. Bởi không có gì là tăng mãi mãi, và cũng không có gì giảm mãi mãi.
Vậy làm thế nào để kiểm soát cảm xúc, cách đơn giản nhất, là chỉ mua những cổ phiếu mà chúng ta đã theo dõi trong một khoản thời gian nhất định và có sự am hiểu. Đồng thời nếu lý do bạn mua mà không chính đáng thì …. đừng mua.
16. Thời điểm đầu tư : Mua khi trầm lắng, bán khi sôi động
Nếu như thần chú khi mua bất động sản là vị trí, vị trí và vị trí, thì thần chú khi mua chứng khoán là thời điểm, thời điểm, thời điểm.
Thời điểm mua tốt sẽ có hiện tượng lời ngay khi mua, tức là khi bạn mua xong sẽ có những cú phục hồi và đem đến lợi nhuận tăng trưởng tốt. Thị trường chứng khoán luôn tồn tại những thời điểm mua vào mà giá cổ phiếu rẻ, hoặc rẻ hơn giá trị thưc. Đó là những cơ hội vàng khi đầu tư chứng khoán dành cho người mới bắt đầu nên khai thác và tận dụng,
Quan điểm của Trần Việt MB là việc mua đi bán lại cổ phiếu sẽ đem đến sự căng thẳng và mệt mỏi khi phải theo dõi bảng điện liên tục, cũng như để cảm xúc chi phối khi xem bảng điện nhiều. Nên mình thường sử dụng cách … xem báo, tức là vào các thời điểm trưa hoặc chiều luôn có những tin tức tổng hợp thị trường tăng giảm, thì khi thấy có những dấu hiệu đầu tư tốt và hời xuất hiện thì lúc đó mình mới dành thời gian để…. mua hoặc bán.
17. Doanh nghiệp tốt luôn đi kèm cổ tức
Ờ, mình thì hơi thực dụng, nếu để và giữ một cổ phiếu lâu, thì cổ phiếu này cũng phải đem đến cho mình một số tiền từ cổ tức. Tiền của mình mà, mình phải nắm và giữ chứ đúng không ạ? Có nhiều người thì hay nói rằng chơi chứng khoán ở Việt Nam thì không cần quan tâm cổ tức, nhưng quan điểm đó mình thấy áp dụng cho dân đầu cơ, lướt sóng, mua bán theo ngày, còn dân đầu tư thì họ sẽ suy nghĩ hoàn toàn ngược lại.
Khi xem xét mua đến mã cổ phiếu thì NĐT cũng nên quan tâm tới lịch chia cổ tức của DN mình quan tâm. Có 2 dạng cổ tức thông thường đó là cổ tức trả bằng tiền mặt và cổ tức trả bằng cổ phiếu. Vào ngày giao dịch không hưởng quyền, cổ tức trả bằng tiền sẽ làm giá CP sụt giảm và lượng tiền mặt sẽ về vài tháng sau đó.
Đối với DN trả cổ tức bằng cổ phiếu, thì số cổ phiếu được chia này cũng sẽ về tài khoản của người được hưởng sau một đến ba tháng tuy nhiên cũng có 1 rủi ro luôn thường trực đó là trong khoảng thời gian cổ phiếu về đến tài khoản thì NĐT không có quyền quyết định bán ra số cổ phiếu này. Sẽ rất buồn nếu như trong khoảng thời gian mòn mỏi đợi chờ ấy giá cổ phiếu sụt giảm nhanh chóng không phanh và số cổ tức được chia về gần giá bán mục tiêu hay thậm chí trong trường hợp xấu còn thấp hơn giá mục tiêu bán ra lúc trước đó.
18. Tránh xa doanh nghiệp … nhà nước
Thực tế, mình sẽ luôn cẩn thận với doanh nghiệp nhà nước chứ không hẳn là không bao giờ nắm giữ các cổ phiếu của doanh nghiệp nhà nước. Một kinh nghiệm cho thấy các doanh nghiệp nhà nước luôn có động lực tăng trưởng rất thấp, bởi “cha chung không ai khóc”. Hai là yếu tố ban lãnh đạo của doanh nghiệp nhà nước thì thường họ thăng tiến dựa vào nhiều yếu tố mà mình “không thích” lắm, nên trình độ lãnh đạo rất đáng phải bàn.
Một doanh nghiệp mà lãnh đạo không đủ tâm, tầm và tài thì đúng thực là dù có sống bao nhiêu năm cũng chỉ là ngoi ngóp. Nên riêng với doanh nghiệp nhà nước là thường mình sẽ gút bai. Dĩ nhiên, không phải hoàn toàn, nhưng nên đặc biệt lưu tâm và cẩn thận.
19. Tránh xa các doanh nghiệp vì lợi ích …. ban lãnh đạo
Thực tế, trên thị trường chứng khoán có nhiều doanh nghiệp nổi tiếng với những pha bẻ lái đi vào lòng người như:
- Công ty tung tin giao dịch lớn để thổi giá nhằm thao túng
- Tạo ra các giao dịch khống giữa công ty con và công ty mẹ để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận.
- Ghi nhận doanh thu lợi nhuận nhưng tiền không về
- Cho vay mức độ lớn nhưng thành nợ xấu (ghi nhận doanh thu)
- Xoá bỏ hoặc giảm 1 số quỹ để nâng doanh thu (Quỹ hưu)
- Pha loãng cổ phiếu bằng các đợt trả cổ tức bằng cổ phiếu giá rẻ, hoặc Esop không có giới hạn dẫn đến cổ phiếu mất đi niềm tin của cổ đông
- Thay đổi thông tin, quyết định của công ty trong một vài ngày làm đảo lộn các kế hoạch của nhà đầu tư
Nên khi lựa chọn cổ phiếu, cũng phải xem ban lãnh đạo là người như thế nào, có thực sự vì cổ đông của họ hay không.
20. Tận dụng tri thức của những gã khổng lồ
Trong thời đại kỹ thuật số như hiện nay, việc tự mình tìm hiểu các nguồn thông tin đã quá cũ kỹ và lỗi thời. Bạn cần phải biết tận dụng các trang web và phần mềm giúp cho bạn phân tích, đánh giá và tổng hợp các thông tin của một doanh nghiệp và cổ phiếu của doanh nghiệp đó. Hiện tại có rất nhiều công cụ giúp cho bạn điều đó như Apps của TCBS, hoặc lọc cổ phiếu từ VN Direct, các trang như cafef.vn, vietstock.vn hay phần mềm AmiBroker, MetaStock, hay quốc tế có Wall Street Journal, Financial Times, Bloomberg.
Bạn nên chọn và học cách sử dụng những tri thức từ những gã khổng lồ này để tiếp cận tri thức toàn diện nhất
21. Nghiên cứu về phí giao dịch
Đã đầu tư là cần nói đến lợi nhuận, mà để có lợi nhuận cao chỉ có duy nhất hai con đường, một là tăng doanh thu, và hai là giảm chi phí. Nên khi bạn quyết định đầu tư vào một cổ phiếu thông qua một công ty chứng khoán, thì cần phải hiểu rõ về những chính sách về phí của công ty đó. Cá nhân mình luôn lựa chọn những công ty có mức phí thấp nhất để tham gia, và một số công ty có phần mềm hỗ trợ tốt nhất để …. tải về và dùng song song hai apps
22. Rủi ro do tính thanh khoản thấp
Bạn có thể thấy tính thanh khoản ( là việc có nhiều người mua và người bán sẵn sàng tham gia trao đổi mua bán cổ phiếu hay không- nói cách khác là bạn có dễ dàng mua bán cổ phiếu đó trên thị trường hay không) của toàn thị trường là khá cao nhưng với mỗi mã cổ phiếu thì tính thanh khoản lại khác nhau. Tính thanh khoản hay còn hiểu đơn giản là số lượng giao dịch cổ phiếu mỗi phiên là bao nhiêu? Có nhiều cố phiếu không có giao dịch hoặc tỷ lệ giao dịch thấp thì tốt nhất bạn nên cân nhắc để né ra cho an toàn.
Ví dụ tính thanh khoản của cổ phiếu MBB ( Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội) thường trên 1 triệu cổ phiếu 1 ngày nhưng với những cổ phiếu rác thì có những tuần thậm chí còn không có giao dịch. Rõ ràng đây là yếu tố khi đầu tư chứng khoán mà người mới bắt đầu nên lưu ý.
23. Có nên tập trung vào cổ phiếu VN – 30 hay không?
Chia sẻ rất thật lòng là những ngày đầu mới học và tham gia đầu tư chứng khoán, thì mình xác định rất rõ khẩu vị rủi ro của mình là yếu tố an toàn lên hàng đầu. Nên danh mục đầu tư ở thời điểm học tập này thường là nằm trong VN – 30 chứ không có mấy cổ phiếu ở ngoài. Lý do mình lựa chọn vì :
- Các công ty, doanh nghiệp này mình đã biết
- Tiềm lực về nguồn vốn, tài sản, quy mô, doanh thu, lợi nhuận đã được khẳng định. (Dĩ nhiên, thi thoảng cũng có ngoại lệ)
- Kiến thức còn hạn chế, nên chỉ tham gia vào các mã cổ phiếu mà mình đã biết
Sau này, khi có nhiều kinh nghiệm hơn, khi đó mình mới tìm hiểu các cổ phiếu ngoài VN – 30. Khi đã có cơ bản kiến thức đầu tư thì việc bạn vượt ra khỏi vùng an toàn là điều chấp nhận được. Nhưng lời khuyên của mình là tuyệt đối không chơi cổ phiếu rác, penny từ những ngày đầu (mà kể cả về sau) bởi nó sẽ hình thành nên thói quen đầu tư rất xấu, thói quen đánh bạc sau này cho bạn. Đầu tư chứng khoán khi người chơi mới bắt đầu nên tập trung vào những doanh nghiệp chắc chắn, tuy rằng biên độ tăng giá không cao, nhưng ngược lại biên độ giảm cũng ở mức độ chịu đựng được.
24. Lợi nhuận cao hay không để mất tiền
Thị trường chứng khoán ở Việt Nam và trên thế giới dù trong bất kể một cuốn sách về tài chính đều có một nguyên tắc không đổi đối với khi đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu đó chính là Không để mất tiền. Đây là nguyên tắc cốt lõi của đầu tư mà bạn phải nắm. Hầu hết tâm lý chung của chúng ta là lợi nhuận cao, hay tâm lý làm ít hưởng nhiều. Tuy nhiên, mang tâm lý làm ít hưởng nhiều để đầu tư chứng khoán thì thường sẽ thua cuộc.
Trần Việt MB đã từng nghe câu nói về người chiến thắng thị trường, tức là những người siêu siêu giỏi thì có thể đem đến mức lợi nhuận ổn định qua hàng năm từ 20 – 30% và số lượng này chỉ chiếm 1%. Nên rõ ràng, việc đầu tư chứng khoán không hề đơn giản, ngày hôm nay bạn có thể lợi nhuận 100% nhưng bình quân những lần thắng và thua trong một năm mới là kết quả cuối cùng. Vì vậy, việc giữ đồng tiền nguyên vẹn và sinh lãi ổn định quan trọng hơn việc phải có lợi nhuận 50 – 100%. Lòng tham dẫn dắt chính là một loại cảm xúc để huỷ diệt nhà đầu tư.
25. Đầu tư tăng trưởng, giá trị và theo đà
Không có đạo đầu tư thì hiệu quả sẽ rất thấp, cũng như câu chuyện “Đẽo cày giữa đường” vậy. Khi bạn đầu tư mà không có đạo, thì bạn sẽ dễ dàng nghe và làm tất cả những việc mà ở đó sự xung đột và tính logic theo chiều sâu sẽ không có. Nên cần chọn cho mình một phương pháp đầu tư phù hợp.
Đối với đầu tư giá trị, nhà đầu tư sẽ mua những cổ phiếu mà họ cho rằng nó đang bị định giá thấp.Và họ tin rằng thị giá chưa phản ánh đầy đủ giá trị nội tại của doanh nghiệp đó. Đầu tư giá trị thường đi kèm với khoảng thời gian đủ lâu để thị trường có thể định giá đúng cổ phiếu mà nhà đầu tư lựa chọn.
Đối với đầu tư tăng trưởng, thay vì tìm kiếm các giao dịch có chi phí thấp, các nhà đầu tư tăng trưởng mong muốn các khoản đầu tư mang lại tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ khi quan tâm đến thu nhập tương lai của cổ phiếu. Đầu tư tăng trưởng liên quan đến việc đánh giá sức khỏe hiện tại của một cổ phiếu cũng như tiềm năng phát triển của doanh nghiệp.
Những nhà đầu tư theo chiến lược đầu tư theo đà thì thường tin rằng người chiến thắng tiếp tục chiến thắng và kẻ thua cuộc cứ thua. Với niềm tin đó, họ tìm mua những cổ phiếu đã trải qua một xu hướng tăng và họ thực hiện bán khống đối với những cổ phiếu giảm điểm.
26. Xác định tỷ lệ phân bổ danh mục cổ phiếu rõ ràng.
Cổ phiếu A bao nhiêu % tổng danh mục? Vì sao ?
Cổ phiếu B bao nhiêu % tổng danh mục ? Vì sao?
Bạn sẽ phải phân bổ tổng số tiền của mình một cách hết sức khoa học để giảm thiểu rủi ro. Thông thường tỷ lệ này sẽ phụ thuộc vào số cổ phiếu bạn nắm giữ. Ví dụ tổng danh mục của bạn là 100 triệu và bạn dự kiến sẽ mua tầm 5 cổ phiếu nắm giữ. Vậy bạn nên phân bổ mức cao nhất là 30% và thấp nhất từ 5-10% cho một cổ phiếu. Như vậy, danh mục sẽ có sự hài hoà và đảm bảo việc đa dạng hoá danh mục đầu tư. Việc một cổ phiếu chiếm tỷ trọng quá lớn sẽ dẫn đến rủi ro tập trung vào một cổ phiếu.
Như các quỹ đầu tư chuyên nghiệp có thể họ sẽ có đến 20 -30 cổ phiếu , còn các nhà đầu tư cá nhân tuỳ theo cách tham gia của từng người là 3- 5 – 7 cổ phiếu.
27. Bắt đầu với một số vốn nhỏ
Hãy luôn nhớ rằng, ai cũng cần phải có thời gian để tích luỹ và gia tăng kinh nghiệm dù ở bất kỳ một cuộc chơi, hay một cuộc chiến nào. Nên việc một nhà đầu tư bắt đầu với một số vốn nhỏ là điều cần thiết và sau đó tăng dần lên khi kinh nghiệm phù hợp. Tránh bị cuốn vào vòng xoáy của lợi nhuận mà đánh mất bản thân mình. Bởi đằng sau những giây phút thành công ban đầu dễ đem bạn đến với ảo tưởng rằng mình tài năng và luôn chiến thắng thị trường
Điều đó là không bao giờ có. Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu nên thận trọng và đặt sự học hỏi, trải nghiệm lên hàng đầu.
28. Đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu cần sự học để làm chủ cuộc chơi
Bất kể một ngành nghề nào bạn sẽ chỉ chiến thắng khi là chuyên gia ở trong đó, hoặc là người tụ hội kiến thức, kỹ năng và thái độ tốt. Và với 27 điều Trần Việt MB chia sẻ với các bạn ở trên thì chỉ là kinh nghiệm đầu tư chứng khoán cho người mới bắt đầu, chứ không phải là cứ làm theo là bạn chắc chắn sẽ chiến thắng. Bởi thị trường chứng khoán là tổng hoà của nhiều trường phái, phương pháp, của nhiều đối tượng nhà đầu tư khác nhau với những tâm lý khác nhau. Nên ở đó sẽ luôn có những phần thưởng lớn dành cho những người ham học hỏi và nỗ lực không ngừng.
Bên cạnh việc đầu tư chứng khoán và tham gia các kênh đầu tư khác nhau, thì hiện mình cũng vẫn cung cấp dịch vụ về tư vấn bảo hiểm nhân thọ Quân đội chuyên nghiệp với gần 200 khách hàng trong suốt hơn 2 năm qua. Đây cũng là một dạng tài sản phòng vệ mà dù sớm hay muộn các bạn cũng sẽ tìm hiểu và được cung cấp bới mã chứng khoán MBB :)) . Rất mong được phục vụ các bạn
Mình chia sẻ thêm cho các bạn về kinh nghiêm để sở hữu một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ xuất sắc tại đây
————————————
Về tớ – Trần Việt MB
———————————–
Lĩnh vực hoạt đông tại MB Bank
1. Tư vấn bảo hiểm nhân thọ Quân đội MB Ageas (BHNT Quân đội) – (Tớ luôn cam kết nếu không tư vấn đầy đủ hoàn tiền 100%)
2. Tư vấn đầu tư chứng khoán tại Chứng khoán MB – MBS.
3. Tư vấn đầu tư quỹ mở MB Capital.
Bạn có thể chỉ dành 5 phút mở tài khoản MB Bank để nhận được chính sách:
- Miễn 6 loại phí ngân hàng: Phí quản lý tài khoản; phí chuyển tiền trọn đời; Phí thông báo số dư biến động; Phí duy trì, Phí rút tiền, Phí phát hành
- Miễn phí Số đẹp + Tài khoản số điện thoại
Mình gửi link đăng ký hỗ trợ mở tài khoản: Tại đây
4. Khoá học:” Money Game Winner – Chiến thắng trò chơi tiền bạc” , mình có xây dựng và triển khai khoá học ưu đãi 599.000 đồng trong 3 buổi học liên tục (Giá gốc 1.800.000 đồng). Bạn có thể xem tại đây
———————————–
Hỗ trợ miễn phí
- Điều chỉnh tư vấn hợp đồng bảo hiểm lỗi.
- Hỗ trợ quy trình giải quyết quyền lợi bảo hiểm của 18 công ty trên thị trường
———————————–
Một số kênh liên hệ:
- Nhóm Zalo dành cho khách hàng đang tìm hiểu: Tại đây
- Nhóm Facebook hỗ trợ tư vấn viên” Tại đây / Nhóm Zalo hỗ trợ tư vấn viên: Tại đây
- Nhóm Chia sẻ giá trị về Kỹ năng làm cha mẹ: Tại đây
Kênh mạng xã hội
1. Fanpage: Trần Việt MB
2. Zalo: 090.226.1286
3. Email: info@tranvietmb.com / tranviet.mbageas@gmail.com.
4.Website: Trần Việt MB
5. Youtube: Trần Việt MB